Dự phòng và điều trị
Người mẹ cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10-15 phút là đủ, bú hết một bên, không để trẻ ngậm đầu ti ngủ. Nếu con bú không hết, mẹ cần vắt sữa ra ngoài.
Mỗi lần cho bú, sản phụ cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho con bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô.
Khi các phương pháp dự phòng thất bại, sản phụ cần được điều trị kịp thời. Hiện nay, phương pháp mới được áp dụng trong điều trị viêm tắc tia sữa là sử dụng các tác nhân vật lý như sóng siêu âm trị liệu, laser cường độ cao, nhiệt trị liệu (nóng hoặc lạnh tuỳ vào tình trạng) và massage trị liệu kết hợp máy hút sữa chuyên dụng.
Theo chuyên viên vật lý trị liệu Lê Thị Lệ Thuỷ, Bình Dương, trước đây, việc điều trị viêm tắc tia sữa chủ yếu bằng các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh làm ảnh hưởng đến việc tiết sữa, đôi khi sau điều trị sản phụ cũng không còn khả năng tiết sữa.
Hiện nay, vật lý trị liệu là phương pháp điều trị tiên tiến và được áp dụng tại một số cơ sở y tế, dựa trên cơ sở lý luận bóc tách các kết dính sâu bởi các loại sóng xuyên thấu, đem lại hiệu quả nhanh ngay sau lần điều trị đầu tiên. Thông thường sau khoảng 2-3 lần điều trị, sản phụ có thể cho con bú trở lại mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Song song với quá trình điều trị, sản phụ sẽ được tư vấn các kiến thức về sữa mẹ và phương pháp cho con bú một cách hiệu quả nhằm đạt được kết quả tốt nhất cũng như phòng tránh tái phát.